Tìm kiếm bất động sản
Thứ sáu, 24/08/2018 | 00:00 GMT+7

Học cách giáo viên Montessori nói với trẻ để nuôi dạy con thành người luôn mạnh mẽ và đầy tự tin

Đối với trẻ nhỏ, những câu nói khéo léo, động viên kịp thời của cha mẹ giống như cách mà giáo viên Montessori thường dùng luôn mang lại hiệu quả tích cực giúp bé phấn chấn và có thêm động lực để phát triển.

Theo các nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, khả năng đương đầu và sức bật của trẻ thể hiện qua các kĩ năng xã hội mà trẻ học được, sự yêu thích tìm tòi, khám phá những kĩ năng, kiến thức mới, khả năng tự chủ, tự giải quyết vấn đề, sự nhận thức và phản ứng với những bất công, vô lý cùng với ý thức của trẻ. Ngoài ra, khả năng ứng phó của trẻ con thể hiện ở các mối quan hệ thân thuộc, trẻ tỏ rõ ham muốn, kỳ vọng cao vào bản thân, luôn tìm kiếm cơ hội để tham gia và góp sức theo cách có ý nghĩa nhất.

Phương pháp giáo dục Montessori được coi là một "di sản" tuyệt vời không chỉ tạo cho bé một môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo mà các giáo viên Montessori còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, sự tự tin trong việc hình thành nhân cách của trẻ, động viên, khích lệ trẻ mỗi khi bé gặp khó khăn, thử thách. Các bậc cha mẹ hãy cùng tham khảo 9 câu nói tích cực mà các giáo viên Montessori thường dùng để động viên, khích lệ, tạo sức bật cho trẻ.

1. "Mẹ biết là rất khó, nhưng con đã làm được rồi!"

Việc cha mẹ trực tiếp thừa nhận những nỗ lực của con sẽ có tác động tích cực, giúp trẻ hiểu rằng con hoàn toàn có thể làm được những việc ngay cả khi đang gặp khó khăn và thử thách nhiều nhất. Đó có thể là lần con bắt đầu bơi toàn bộ hồ bơi, lần đầu tiên con đọc một cuốn sách, hoặc con tự mặc áo sơ mi. Cha mẹ hãy giúp con có những khoảng dừng để kịp thời động viên, khích lệ và khen ngợi những gì con đã làm được, mặc dù những việc đó với con không phải là dễ dàng. Những lời động viên đúng lúc sẽ giúp củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho trẻ tiếp tục vươn lên, trẻ cũng có thể vượt qua trở ngại và hoàn thành những công việc cho dù khó đến đâu.

2. "Mẹ muốn con thử sức, nhưng nếu con cảm thấy khó khăn thì mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ"

Khi bé gặp khó khăn, cha mẹ không nên quá vội vàng chạy đến và dang tay giúp đỡ bé. Bởi điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy mình không có khả năng làm việc gì đó mà không có cha mẹ. Tuy nhiên, nếu để trẻ bị "choáng ngợp" trước hàng tá những thử thách và cảm thấy cô đơn, không có ai bên cạnh thì cũng dễ tạo tâm lý e sợ, không muốn thử lại trong tương lai. Chính vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ bày tỏ rõ mong đợi con hãy thử sức và tin tưởng con có thể làm được, nhưng cũng không quên củng cố tinh thần cho trẻ về sự hỗ trợ của cha mẹ mỗi khi con thực sự khó khăn. Trẻ sẽ cảm thấy an tâm và tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ của mình. Và nếu trẻ thực sự gặp khó khăn, cha mẹ hãy trợ giúp cho con ở mức tối thiểu nhất vừa để động viên vừa tiếp tục tạo động lực cho bé.

3. "Con đã/sẽ làm gì nếu…"

Đặt các câu hỏi mở sẽ giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Mỗi khi trẻ tìm ra giải pháp cho một vấn đề tưởng như không thể vượt qua, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn với khả năng vượt qua thử thách của chính bản thân. Chẳng hạn nếu trẻ bị mất gấu bông, mẹ hãy hỏi xem con có thể nhìn thấy ở đâu trước khi tìm thấy cho con. Nếu bút chì của con bị gãy hỏng, hãy hỏi con sẽ làm gì để giải quyết thay vì ngay lập tức đưa cho con một chiếc bút mới.

4. "Con có nhớ lúc con tập/làm… rất khó không?"

Trẻ em thường học các kỹ năng mới theo đúng bản chất công việc đó mỗi ngày, nhưng trẻ cũng rất dễ quên quá trình và những kĩ năng đã đạt được. Chính vì vậy, cha mẹ hãy giúp con cảm nhận và ý thức được các kĩ năng mà bé có được bằng cách nhắc nhở trẻ những gì trẻ đã làm được, quá trình trẻ hoàn thành ra sao. Ví dụ, nếu mẹ thấy con đung đưa người khi chơi xích đu, hãy nhắc lại cho trẻ nhớ con đã từng buồn và thất vọng vì không biết cách tự dùng chân và người để đu như thế nào. Tập trung nhấn mạnh vào sự tiến bộ của con, giúp trẻ khẳng định và ghi nhớ những nỗ lực của trẻ đã đóng một vai trò rất lớn trong việc giúp con vượt qua những trở ngại.

5. "Mẹ cần con giúp đỡ"

Cho dù con còn nhỏ, nhưng cha mẹ hãy để bé được đóng góp sức mình và giúp đỡ mọi người. Những công việc hàng ngày như thu dọn quần áo, nấu ăn hoặc đóng kệ sách mới, lời đề nghị trẻ giúp đỡ từ cha mẹ sẽ truyền đi thông điệp rằng con là một thành viên tích cực và có ích trong gia đình, điều này càng kích thích sự hăng hái, tự tin và phấn đấu ở trẻ, kể cả sau này khi trẻ gặp khó khăn thì tâm lý tự tin ấy cũng sẽ theo giúp trẻ. Mặt khác, việc cha mẹ đề nghị trẻ giúp đỡ cũng là một cách để trẻ hiểu rằng con cũng hoàn toàn có thể đề nghị sự giúp đỡ khi con cần.

6. "Mẹ có thể giúp gì cho con?"

Khi mẹ thấy con gặp khó khăn, hãy hỏi xem mẹ có thể giúp được gì. Điều này mang lại cho trẻ một cảm giác khác biệt hơn thay vì lao vào và giải cứu, giải quyết vấn đề cho trẻ. Đề nghị giúp đỡ nhưng cho phép trẻ được quyết định cách mà cha mẹ có thể giúp đỡ thể hiện sự hợp tác và tôn trọng của người lớn với trẻ nhỏ. Mỗi một vấn đề đều có cách giải quyết, kể cả đó là nhận sự giúp đỡ từ người khác.

7. "Trông con có vẻ đang rất buồn, con có muốn tâm sự với bạn của con không?"

Các tình huống phát sinh trong cuộc sống sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thử thách lòng kiên trì và khả năng đương đầu của trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng thành công và vượt qua được, đôi khi trẻ cũng thất bại và tỏ ra buồn chán. Lúc này, cảm giác cô đơn, tủi thân và chán nản sẽ xâm chiếm nên cha mẹ hãy khéo léo xoa dịu tâm trạng buồn bã của con, có thể đề nghị con chia sẻ với người bạn thân nào đó của con, hoặc chỉ cần một cái ôm, vỗ vai sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều.

8. "Việc đó thực sự khó, nhưng mẹ vẫn làm được và mẹ tự hào về chính mình"

Trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, có vẻ như mọi thứ với người lớn dường như diễn ra khá dễ dàng. Nguyên nhân là do cha mẹ thường làm việc khi không có mặt trẻ ở đó và không hay chia sẻ với con cái về những gì mà cha mẹ đã làm. Tuy nhiên, để giúp trẻ hiểu và đồng cảm hơn, cha mẹ hãy chia sẻ nhiều hơn với con. Hãy nói với con về những thử thách mà cha mẹ đã từng vượt qua để thích nghi với cuộc sống và vươt qua khó khăn. Chẳng hạn như: "Bạn của mẹ đã hủy cuộc hẹn ăn trưa nên mẹ cảm thấy rất thất vọng. Tuy vậy, mẹ và cô ấy đang sắp xếp một buổi hẹn khác để gặp nhau". Hãy cho trẻ thấy rằng tất cả mọi người, ngay cả mẹ và bố, đều phải đối mặt với những khó khăn hay thất bại, và ai cũng cần cố gắng, nỗ lực để vượt qua hoặc tìm cách giải quyết.

9. "Con có muốn nghỉ ngơi một chút không?"

Mỗi khi thấy con đã vượt quá giới hạn và bị "choáng" trước sự việc nào đó, cha mẹ hãy tiếp thêm sức mạnh cho con bằng cách đề nghị trẻ dừng lại và nghỉ ngơi một chút, uống cốc nước hoặc hít thở sâu, hay là ra ngoài đi bộ một lát để thay đổi không khí.

Kĩ năng ứng phó, giải quyết vấn đề là sự cố gắng và phát triển trong cả một quá trình, cần thời gian và sự kiên nhẫn của cả cha mẹ và con cái. Nhưng nếu đạt được những kĩ năng và phẩm chất này, tương lai của trẻ sẽ rộng mở và giảm bớt áp lực.

Nguồn: Mother


Tags:

Các tin trước

Mẹ Mỹ kể về môi trường sống chẳng khác gì "chốn địa đàng" mà người Đức nuôi dạy lên những đứa trẻ tự tin, tự lập 2018-08-16
Không quát mắng hay ra lệnh, chỉ dùng chiêu thủ thỉ, mẹ 8X dạy con 6 tuổi làm việc nhà nhoay nhoáy 2018-08-02
Khi con có những hành vi này, cha mẹ đừng bao giờ tặc lưỡi bỏ qua vì nghĩ "trẻ con ấy mà..." 2018-07-27
Lãi 178 nghìn đồng sau 2 buổi đi bán kẹo, cậu bé 4 tuổi ở Hà Nội học được nhiều điều nhờ cách dạy con kiếm tiền của mẹ 2018-07-26
Nếu còn làm 10/20 điều dưới đây, bạn đích thực là một "bà mẹ trực thăng" và cần phải sửa đổi ngay 2018-07-25
Cấm con xem tivi cho đến năm 3 tuổi - cách dạy con gây tranh cãi của mẹ Nhật có 4 con đều đỗ Đại học hàng đầu 2018-07-17
Biết được điều này, các cha mẹ sẽ thấy tiếc vì đã không cho con cơ hội bày bừa, nghịch ngợm 2018-06-27
7 điều tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ giúp con bạn hạnh phúc và phát triển tốt hơn 2018-05-30
Không bắt trẻ học nhiều, đây là 3 bí quyết nuôi dạy trẻ thành công từ các bà mẹ Nhật 2018-05-30
Dạy con 7 bài học bổ ích này, bố mẹ đã giúp “khai sáng” và định sẵn đường thành công cho con đi 2018-05-30